Thông tin dự án tại tỉnh Hưng Yên:
Chỉ trong 3 tháng, nhiều thông tin về các dự án bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp lớn được đề xuất xây dựng ở Hưng Yên.
Hồi tháng 6, Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị Hoà Phát (thuộc Tập đoàn Hoà Phát) có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chấp thuận chủ trương đầu tư một loạt dự án. Ngoài một dự án giao thông được đề xuất theo hình thức BT, công ty này đề xuất lập quy hoạch dự án Khu công nghiệp Tân Phúc quy mô 300 ha, Khu công nghiệp Bãi Sậy 300 ha, Khu đô thị tại thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên quy mô 150 ha.
Đến tháng 7, Tập đoàn Vingroup được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt là chủ đầu tư lập quy hoạch dự án Khu đô thị phía Đông sông Điện Biên với tổng diện tích dự kiến 232 ha.
Cũng trong tháng 7, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư, yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, căn cứ nội dung đề xuất của CTCP Tập đoàn MIK Group, thẩm định, báo cáo UBND tỉnh. MIK Group trước đó đã đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận là nhà đầu tư khảo sát, lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị Villa Park Hưng Yên, quy mô khoảng 830 ha, dự kiến xây dựng tại xã Vĩnh Phúc, xã Tân Tiến, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang; xã Đồng Thanh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ.
CTCP Vincom Retail cũng tham gia vào thị trường bất động sản Hưng Yên với việc lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Tổ hợp Trung tâm thương mại và Nhà phố trên địa bàn phường Hiến Nam. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, phục vụ nhu cầu về nhà ở của người dân trong khu vực, có quy mô gần 1,6 ha.
Vincom Retail lập quy hoạch dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và Nhà phố tại TP Hưng Yên với quy mô 1,6 ha. |
Với dự án khu nhà ở cao cấp Sen Hồ và khu nhà ở cao cấp Sen Hồ 2, Công ty TNHH Phát triển công nghệ và Đô thị T&T – một công ty thành viên của Tập đoàn T&T – cũng tham gia vào sân chơi bất động sản mới ở miền Bắc. Theo phê duyệt, dự án có diện tích khoảng 62,6 ha. Phạm vi, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch được thực hiện trên điạ bàn quản lý của phường Nhân Hòa, Thị xã Mỹ Hào.
Thị trường bất động sản công nghiệp tại Hưng Yên cũng ghi nhận nhiều dự án mới. Ngoài 2 dự án mà Hoà Phát đề xuất xây dựng, UBND tỉnh Hưng Yên cũng quyết định thành lập Khu công nghiệp (KCN) Yên Mỹ, tại địa bàn các xã Tân Lập, Trung Hoà thuộc huyện Yên Hoà với quy mô 280 ha. Dự án do CTCP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ – Hưng Yên làm chủ đầu tư.
Cụm công nghiệp Minh Hải 1 tại xã Minh Hải, huyện Văn Lâm với quy mô khoảng 68,5 ha cũng được quyết định thành lập. Tổng vốn đầu tư khoảng 614 tỷ đồng, ngành nghề hoạt động chủ yếu là phát triển công nghiệp gia dụng; cơ khí, chế tạo, lắp ráp; điện tử, điện lạnh; thực phẩm; dược phẩm; đồ uống; đồ gỗ; kho bãi… Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là CTCP Đầu tư hạ tầng Kim Long.
Mới đây nhất, Công ty TDH Ecoland – doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Ecopark – cũng vừa ký thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc (LH) để nghiên cứu quy hoạch và phát triển dự án khu công nghiệp sạch tại Hưng Yên.
Dự án Khu công nghiệp sạch rộng 139,7 ha thuộc Đề án Khu công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt 3.000 ha huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Đây là một trong những dự án được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2019 – 2020 giữa 2 tập đoàn.
Điểm sáng bất động mới ở phía Bắc
Cùng với Hà Nội, Bắc Ninh và Quảng Ninh, Hưng Yên hiện là một trong những địa phương thu hút nhiều dự án nhất ở phía Bắc.
Hưng Yên nói riêng và thị trường bất động sản các tỉnh lẻ “nóng” lên, theo các chuyên gia, đã bắt đầu từ năm 2017, bùng nổ trong năm 2018 và được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong năm nay. Nguyên nhân được cho là quỹ đất ở đô thị trung tâm như Hà Nội và TP HCM hiện không còn nhiều, giá đất tăng cao, ngoài ra, sự kết nối về mặt hạ tầng trở thành cú hích quan trọng cho thị trường bất động sản các tỉnh lân cận.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sự phát triển và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nhiều năm qua đã tạo đà cho các địa phương tỉnh lẻ trên cả nước phát triển, tuy sự phát triển này diễn ra không đồng đều. Không ít địa phương đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển các đô thị, khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Trong 3 tháng, có hơn 10 dự án được đề xuất xây dựng tại Hưng Yên. Ảnh: UBND tỉnh Hưng Yên. |
Những hoạt động đầu tư đó tất yếu đã tạo nên sự phát triển của thị trường bất động sản. Nhu cầu về nhà ở và hệ thống hạ tầng dịch vụ xã hội các tỉnh bắt đầu hình thành, thị trường bất động sản cũng có mức chi phí và giá thành thấp so với các thành phố lớn, nên cơ hội để sinh lời cao. Những yếu tố này tạo hấp lực lớn đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Hội Môi giới, nhu cầu của thị trường bất động sản phụ thuộc vào mức độ phát triển, kinh tế và tiềm năng của từng vùng, từng tỉnh và được phân bố hợp lý cho từng thời kỳ, từng giai đoạn. Do đó, nếu không tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà phát triển bất động sản có thể đầu tư vượt cầu, tạo ra khủng hoảng thừa.
Đối với thị trường Hưng Yên, theo ông Đính, khi hàng loạt các chủ đầu tư đề xuất hoặc triển khai dự án, yếu tố cạnh tranh trên thị trường chắc chắn có, bởi trước mắt các doanh nghiệp sẽ phải giành nhau một lượng nhỏ nhu cầu thực trên thị trường. “Tuy nhiên đó là câu chuyện trước mắt. Còn về dài hạn, có thể xem sự tham gia của các chủ đầu lớn tại Hưng Yên hiện nay là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển về sau. Sau khi có các nhà đầu tư bất động sản lớn xây dựng dự án, sẽ có thêm các doanh nghiệp phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí… đến và kích cầu cho toàn thị trường”, ông Đính nói.
Bình luận Facebook